Cập nhật lần cuối vào 05/09/2022 bởi Phạm Mạnh Cường
Đã 20 năm kể từ khi tuyên ngôn về Agile ra đời. Chuyển đổi Agile là một cụm từ được nhắc đi nhắc lại ở nhiều nơi nhưng thực tế thì chuyển đổi chưa bao giờ là dễ. Có một trạng thái mà tôi gọi là “chuyển đổi kém”, nghĩa là họ đang chuyển đổi sang Agile và mắc kẹt trong việc chuyển đổi đó. Dưới đây là một vài lỗi khiến bạn rơi vào trạng thái “chuyển đổi kém”.
Chìm đắm trong Wagile
W trong Waterfall + Agile tạo thành Wagile, nghĩa là quản lý dự án theo cả Agile lẫn Waterfall, nghe thì có vẻ giống Hybrid nhưng hoàn toàn khác nhau.
Trong khi Wagile là kết hợp theo kiểu không kế hoạch, nửa nạc nửa mỡ thì Hybrid lại là sự phối hợp có kế hoạch, cả kế hoạch vẫn theo Waterfall, nhưng khi thực hiện từng phần lại theo các nguyên tắc của Agile.
Wagile thực sự là điều tồi tệ, hiệu suất của Wagile thậm chí còn kém hơn cả Waterfall. Các tổ chức gặp phải Wagile thường có suy nghĩ đó là “Chuyển đổi sang Agile cần thời gian rất dài, và có thể chuyển đổi từng giai đoạn một, thậm chí phối hợp cả 2 sẽ là tốt nhất.”
Bắt đầu việc chuyển đổi Agile bằng đào tạo chính quy đội nhóm
Nhiều người nghĩ rằng trước khi chuyển đổi sang Agile thì nên đào tạo chính quy trước. Suy nghĩ này rất bình thường nhưng thực tế hiệu quả lại không tốt bằng đào tạo sau khi đã tham gia qua 1 dự án Agile.
Mặc dù đào tạo về một phương pháp luận mới là trực quan và có trách nhiệm, nhưng việc đào tạo trước khi họ thực sự sẵn sàng sẽ gây ra nhiều vấn đề. Bạn có nguy cơ bị một thành viên trong nhóm phản kháng làm trật bánh các nỗ lực nâng cao kỹ năng và giảm động lực cho toàn bộ nhóm.
Ngoài ra khả năng nhóm của bạn sẽ giữ lại rất ít khóa đào tạo vì họ không có đủ thông tin hoặc bối cảnh.
Việc đào tạo tốt nhất nên diễn ra sau khi đã đội nhóm đã được trải nghiệm cách làm của dự án Agile. Lúc bấy giờ thì đào tạo sẽ giúp cải thiện giao tiếp, giảm thiểu các quy trình và cuối cùng là tăng tỷ lệ thành công của chuyển đổi Agile.
Bạn có thể bắt đầu chuyển đổi bằng cách áp dụng Scrum, có một người phụ trách việc đào tạo nhỏ ngay trong nhóm dự án với vai trò Scrum Master.
Phớt lờ hoặc ngầm chấp thuận các hành vi tiêu cực khi chuyển đổi
Công tác khó khăn nhất trong chuyển đổi Agile là con người.
Một số người phản đối vì lý do chính đáng: họ không hiểu sự thay đổi sẽ giúp ích như thế nào và tin rằng mọi thứ sẽ vẫn như cũ vì sự thành công của tổ chức.
Những người khác sẽ phản đối vì họ không muốn nỗ lực học hỏi điều gì đó mới, không muốn mạo hiểm thất bại, không muốn đánh mất vị thế “chuyên gia”, sợ không biết hoặc hàng nghìn lý do khác.
Hãy nhận biết những hành vi ngang ngược và giải quyết kịp thời. Nó có khả năng lây lan nhanh chóng, đặc biệt là khi cá nhân kìm hãm nỗ lực của bạn là một trong những người “giỏi nhất” trong nhóm và một người mà người khác ngưỡng mộ. Nếu gặp vấn đề, bạn thậm chí có thể phải chia tay một số người giỏi nhất của mình nếu họ không thể chuyển đổi agile.
Quay đầu khi gặp khó khăn
“Quay đầu là bờ, ai ngờ là biển” – một câu nói tưởng chừng cho vui nhưng lại rất đúng trong chuyển đổi Agile.
Nếu tất cả diễn ra một cách tốt đẹp, các sản phẩm vẫn rất tốt, ngân sách vẫn dồi dào thì việc chuyển đổi Agile dễ hơn rất nhiều.
Nhưng, nếu tất cả đều gặp khó thì sao? Khi bị áp lực, người ta có xu hướng quay lại với những cách quen thuộc. Điều này sẽ phá vỡ toàn bộ các nỗ lực chuyển đổi trước đó, và nếu nó cứ lặp lại liên tục thì đây là một điều cực kỳ tồi tệ.
Điều nên làm lúc bấy giờ là áp dụng các cơ chế cải tiến liên tục của framework và cải thiện theo từng lần lặp lại tiếp theo. Hãy đảm bảo các vấn đề về sự tin tưởng, giao tiếp, thời gian và ngân sách thực tế để cải tiến liên tục.
Nếu bạn quay đầu khi gặp khó, bạn sẽ đánh mất một thứ rất quan trọng, đó là niềm tin. Việc này dẫn tới chuyển đổi Agile sau đó cũng thất bại và không thể chuyển đổi được.
Chỉnh sửa các framework của Agile ngay khi chưa bắt đầu chuyển đổi
Nhiều tổ chức đã cải tiến các framework để cho phù hợp hơn với họ ngay cả khi họ chưa bắt đầu việc chuyển đổi.
Việc cải tiến framework là điều tốt, nhưng nó nên được diễn ra khi mà tổ chức của bạn đã nắm rõ được các framework thông qua việc thực nghiệm. Hãy nhớ rằng Agile luôn coi trọng việc hiện vật và chủ nghĩa thực nghiệm hơn là các suy đoán hay tài liệu.
Bắt đầu cho việc chuyển đổi, hãy cứ áp dụng theo các framework và áp dụng cơ chế cải tiến liên tục của framework để điều chỉnh linh hoạt cho tổ chức.