PMA – Professional Management Academy

Bí quyết giúp PM lấy lại phong độ sau một dự án thất bại!

Cập nhật lần cuối vào 23/12/2021 bởi Phạm Mạnh Cường

try hard more

Nếu trong khoảng thời gian gần đây, bạn phải chịu sức ép từ kết quả của một dự án không khả quan, có thể bạn sẽ rất vất vả để tìm lại sự tích cực và thúc đẩy bản thân tiến về phía trước, nhưng đây lại chính là con đường duy nhất để vượt qua khó khăn mà bạn đang đối mặt.

Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố khác nhau khiến một dự án thất bại. Những lý do phổ biến nhất là mục tiêu không thực tế, thiếu sót trong khâu lập kế hoạch và chuẩn bị, quản lý thời gian hoặc chi phí kém, giao tiếp kém hiệu quả, và thậm chí là do “trời phạt” như thiên tai, tai nạn không thể dự đoán được. Hồi phục lại sau một dự án thất bại là chuyện nói dễ hơn làm, nhưng chúng tôi có thể đưa ra một số hướng dẫn dưới đây để từng bước giúp bạn lấy lại phong độ của mình.

1. Đánh giá dự án

Tất cả các dự án đều nên được đánh giá, bất kể kết quả dự án đó ra sao. Bạn nên tập trung vào từng thành công và sai lầm nhỏ trên đường đi để xác định đúng điểm mạnh và điểm yếu của team. Làm điều này cũng sẽ giúp bạn đưa ra đánh giá tốt hơn cho các dự án trong tương lai.

Nếu muốn liên tục cải thiện với tư cách nhà quản lý dự án chuyên nghiệp, hãy trau dồi khả năng tự suy xét và phân tích vấn đề liên tục như một thói quen.

2. Điều chỉnh thái độ đối với thất bại

Thất bại không phải là kết thúc. Bạn cần học cách xem thất bại như một cơ hội phát triển thay vì là một dấu chấm hết cho sự nghiệp. Bạn có thể biến một kết quả đáng thất vọng thành một điều tích cực bằng một tư duy chủ động.

Tuy vậy, không có nghĩa là bạn nên thất bại nhiều lần. Đơn giản là bạn nên tập trung vào việc cải thiện bản thân thay vì bị sai lầm đó đánh bại. Thất vọng là trạng thái tâm lý tự nhiên, nhưng bạn cần phải vượt qua nó. Việc luôn loay hoay với cảm xúc tiêu cực sẽ chỉ khiến bạn lùi xa hơn và làm giảm khả năng phán đoán chính xác của chính bạn trong các vấn đề.

3. Tiến tới các giải pháp

Khi bạn đã tự ngẫm đủ nhiều và lấy lại tự tin, hãy tiến hành đối thoại với team. Bạn hãy tạo một bầu không khí cởi mở và tự tin để có thể giải quyết các vấn đề tốt hơn với các giải pháp lâu dài.

Hãy nhớ rằng thất bại có thể được thảo luận theo cách cùng nhau xây dựng. Thay vì cả team duy trì sự im lặng khi đối thoại, chúng ta có thể nói ra tất cả vấn đề còn khúc mắc và cùng nhau cải thiện.

4. Dành thời gian để cảm nhận cảm xúc tiêu cực

Mỗi con người có một khuynh hướng cảm xúc khác nhau. Một số người kiên cường hơn và ít gặp khó khăn vực dậy sau những vấp ngã. Còn những người khác có xu hướng nuôi dưỡng những vết thương lâu hơn.

Là một người quản lý, bạn nên cho phép bản thân mình và các thành viên trong team được có thời gian đắm mình. Đừng cố chối bỏ vấn đề, xem như chưa có gì xảy ra và thúc giục mọi người tiếp tục làm việc. Làm vậy, thay vì truyền động lực, bạn lại trở thành một người vô tâm và áp đặt.

work smart

5. Thảo luận về sai lầm một cách chủ động

Làm việc cùng nhau để tìm ra những lỗi sai và nguyên nhân, nhưng đừng ra lệnh, “chỉ tay năm ngón”. Chắc chắn là bạn không nên đổ lỗi cho ai cả, nhưng cũng không nên “bọc đường” cho những lỗi lầm.

Dành thời gian để phân tích sai lầm, nhưng đừng nán lại quá lâu trong suy nghĩ. Hãy chuyển cuộc thảo luận về các dự án trong tương lai và các giải pháp ngăn ngừa những  thất bại tương tự.

6. Khuyến khích sự hợp tác trong team dự án

Đừng nên rao giảng các bài học kinh nghiệm. Thay vào đó, bạn có thể chia team dự án thành hai nhóm, một nhóm thảo luận về các kịch bản tiêu cực tiềm năng và nhóm còn lại, đưa ra các thay đổi cần thực hiện cũng như những phương án dự phòng để thúc đẩy hiệu suất công việc sau những tổn thất.

7. Cuối cùng, chấp nhận thất bại như những bài học

Khi bạn thấy thất bại là điểm khởi đầu của quá trình chứ không phải là kết thúc sự nghiệp, bạn sẽ vực dậy nhanh chóng hơn. Và team của bạn sẽ nhận được tín hiệu đó từ người lãnh đạo – chính là bạn. Nếu sự dẫn dắt đó mang tính tích cực, họ sẽ háo hức muốn quay trở lại thị trường và chứng minh bản thân trong các dự án tiếp theo.

Failure is simply the opportunity to begin again, this time more intelligently.

– Henry Ford –

success