Cập nhật lần cuối vào 26/09/2023 bởi Phạm Mạnh Cường
Dự án là gì?
Có rất nhiều định nghĩa về dự án. Thậm chí theo Quản lý dự án (NXB KTQD) thì còn chia làm khái niệm “tĩnh” và “động”.
Theo khái niệm “tĩnh” thì dự án là hình tượng về một tình huống (trạng thái) mà ta muốn đạt tới. Còn theo khái niệm “động” thì dự án là một lĩnh vực hoạt động đặc thù, một nhiệm vụ cần phải được thực hiện với phương pháp riêng, nguồn lực riêng và theo một kế hoạch tiến độ nhằm tạo ra một thực thể mới.
Theo PMBOK định nghĩa thì “Temporary endeavor – with a beginning and an end. Creates a unique product, service or result”.
Tạm dịch: “Dự án là một nỗ lực có thời gian bắt đầu và kết thúc rõ ràng nhằm tạo ra một sản phẩm, một dịch vụ hoặc một thành quả độc nhất”
Quản lý dự án là gì?
Theo PMBOK thì Quản lý dự án là việc áp dụng các kiến thức, kỹ năng, công cụ và kỹ thuật vào các hoạt động của dự án nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Các công việc cơ bản của quản lý dự án là lập kế hoạch, tổ chức và quản lý, giám sát nhằm đảm bảo dự án kịp tiến độ, không vượt ngân sách, đúng yêu cầu và phạm vi dự án không đổi.
Quản lý dự án là một công việc rất khó, giao tiếp là kỹ năng chủ chốt của quản lý dự án, ngoài ra công tác quản lý còn được chia làm:
- Quản lý phạm vi dự án (Scope)
- Quản lý chất lượng (Quality)
- Quản lý chi phí (Cost)
- Quản lý tiến độ (Schedule)
- Quản lý nguồn lực (Resources)
- Quản lý giao tiếp (Communitication)
- Quản lý rủi ro (Risk)
- Quản lý mua sắm (Procurement)
- Quản lý tích hợp (Integration)
- Quản lý các bên liên quan (Stakeholders)
Chưa hết, quản lý dự án hiện này còn có chia làm:
Có thể thấy quản lý dự án là một công việc cực kỳ khó, do đó mức lương của quản lý dự án cũng cực kỳ hấp dẫn, bạn có thể tham khảo Mức lương của Quản lý dự án (PM).
Ngoài khái niệm quản lý dự án còn có cả khái niệm Phòng Quản lý Dự án (PMO – Project Management Officer), bạn có thể tham khảo tại bài viết PMO là gì? Vai trò của PMO trong quản lý dự án.
Quy trình quản lý dự án
Như phần trên đã nói thì công việc quản lý dự án gồm lập kế hoạch, tổ chức và quản lý, giám sát.
Mỗi một tổ chức lại có một quy trình riêng cho việc quản lý dự án, tuy nhiên quy trình chuẩn quốc tế được chia làm 5 giai đoạn:
- Khởi động (Initiating)
- Lập kế hoạch (Planning)
- Thực thi (Executing)
- Giám sát và Kiểm soát (Monitoring & Controlling)
- Đóng dự án (Closing)
Để tìm hiểu kĩ hơn, bạn có thể xem qua bài viết 5 quy trình quản lý dự án chuẩn quốc tế.
Học quản lý dự án ở đâu?
Hiện nay quản lý dự án đã trở thành một ngành học tại các trường đại học, các trường đang đào tạo ngành quản lý dự án gồm:
- Đại học Kinh tế Quốc dân
- Học viện Chính sách và Phát triển
- Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (Cơ sở Hà Nội)
- Đại học Vinh
Các khối xét tuyển gồm 3 khối: A00 (Toán Lý Hóa), A01 (Toán Lý Anh) và D07 (Toán Hóa Anh).
Tất nhiên, việc học ở trường đại học thường chỉ tạo cơ sở cho việc đào tạo ở doanh nghiệp. Để trở thành một nhà quản lý dự án, bạn nên sở hữu ít nhất một chứng chỉ quản lý dự án quốc tế.
Chứng chỉ quản lý dự án nào phù hợp với bạn?
Trong ngành quản lý dự án, bạn nên sở hữu ít nhất một chứng chỉ dự án. Có rất nhiều loại chứng chỉ dự án, dưới đây sẽ chỉ đề cập tới các chứng chỉ nổi tiếng nhất.
Phía dưới bài viết sẽ có thêm một thuật ngữ là “contact hours”. Nghĩa là chứng nhận cho việc đã hoàn thành các khóa đào tạo và có thể tham gia các kì thi chứng chỉ quốc tế.
Chứng chỉ CAPM®
CAPM là một chứng chỉ được chứng nhận bởi PMI, chứng chỉ này phù hợp với những ai cần kiến thức cơ bản về quản lý dự án. Do đó chứng chỉ này yêu cầu đầu vào không cao. Tương tự, giá trị thị trường của chứng chỉ cũng không quá cao, thường thì chỉ các bạn chuẩn bị làm PM mới cần học để làm có kiến thức nền.
Yêu cầu:
- Tốt nghiệp trung học phổ thông.
- Có chứng nhận 23 contact hours
Chi phí:
- Non-Membership: $210
- Membership: $158
Chú ý: PMI thông báo sẽ có thay đổi về đề thi cũng như cách phân chia kiến thức trong năm 2023. Nếu bạn tìm một trung tâm đào tạo CAPM, hãy đảm bảo họ đang vận hành khóa học theo bộ đề mới.
Chứng chỉ PMP®
Đây cũng là một chứng chỉ khác của PMI. Hoàn toàn có thể nói PMP là chứng chỉ quản lý dự án có giá trị thị trường lớn nhất thế giới. Chứng chỉ này phù hợp với các bạn đã có kinh nghiệm quản lý dự án. Sau khi có chứng chỉ, bạn hoàn toàn có thể đề xuất đãi ngộ tốt hơn từ công ty hoặc có một công việc mới có đãi ngộ tốt hơn.
Yêu cầu:
- Nếu chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông
- Cần 60 tháng kinh nghiệm quản lý dự án (Không chỉ vị trí PM mà có thể vị trí khác như Team Lead, …)
- Có chứng nhận 35 contact hours hoặc chứng nhận CAPM
- Nếu tốt nghiệp đại học
- Cần 36 tháng kinh nghiệm quản lý dự án
- Có chứng nhận 35 contact hours hoặc chứng nhận CAPM
Chi phí:
- Non-Membership: $389
- Membership: $284
Xem thêm: Chứng chỉ PMP là gì? Những điều cần biết về PMP
Chứng chỉ PMI-ACP®
Agile là một khái niệm vô cùng quan trọng mà quản lý dự án cần biết. Nếu bạn đang làm một dự án Agile hoặc áp dụng các tuyên ngôn Agile vào công việc thì PMI-ACP® là một chứng chỉ phù hợp. Chứng chỉ này là tổng hợp chung về việc triển khai Agile trong dự án, bao gồm rất nhiều framework và method khác nhau.
Yêu cầu:
- Tốt nghiệp trung học
- Chứng chỉ 21 contact hours
- 12 tháng kinh nghiệm quản lý dự án
- 8 tháng kinh nghiệm làm dự án Agile
Chi phí:
- Non-Membership: $347
- Membership: $305
Xem thêm: Chứng chỉ PMI-ACP là gì? Chứng chỉ Agile phổ biến nhất thế giới
Chứng chỉ PgMP®
Khi trở thành một nhà quản lý dự án, bạn có thể quản lý 2 thậm chí nhiều hơn nữa các dự án cùng lúc. Đặc biệt là các dự án phải phối hợp với nhau để có mang lại nhiều lợi ích hơn nữa.
Ví dụ xây một khu dân cư, mỗi một tòa trong khu dân cư là một dự án và tất cả tòa nhà phải xây xong trong cùng một khoảng thời gian thì đấy chính là một chương trình.
Có thể nói, quản lý chương trình là cấp trên của nhà quản lý dự án và cũng là cấp bậc tiếp theo của quản lý dự án. Hiện tại thì số lượng PgMP ở Việt Nam là 27, chủ yếu là vì độ khó cực cao (thậm chí khó hơn PfMP) của chứng chỉ.
Yêu cầu:
- Nếu chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông
- 48 tháng kinh nghiệm quản lý dự án hoặc PMP
- 84 tháng kinh nghiệm quản lý chương trình
- Nếu tốt nghiệp đại học
- 48 tháng kinh nghiệm quản lý dự án hoặc PMP
- 48 tháng kinh nghiệm quản lý chương trình
Chi phí:
- Non-membership: $700
- Membership: $560
Xem thêm: Tổng quan về chứng chỉ PgMP
Chứng chỉ PfMP®
Cấp bậc phía sau quản lý chương trình là quản lý danh mục. Họ là những người quản lý nhiều chương trình, dự án cùng lúc.
Ví dụ, sự kiện 1000 năm Thăng Long (2010) với rất nhiều dự án, công trình là một danh mục, có tầm ảnh hưởng tới cả cấp quốc gia. Hiện tại thì số lượng PfMP ở Việt Nam là 17.
Yêu cầu:
- Nếu chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông
- 84 tháng kinh nghiệm quản lý chương trình
- 96 tháng kinh nghiệm kinh doanh
- Nếu tốt nghiệp đại học
- 48 tháng kinh nghiệm quản lý chương trình
- 96 tháng kinh nghiệm kinh doanh
Chi phí:
- Non-membership: $700
- Membership: $560
Chứng chỉ PSM
Scrum là một phần rất phổ biến của Agile. Các vai trò như Scrum Master, Product Owner đều có chứng chỉ riêng. Ở đây chỉ nói tới vai trò của Scrum Master vì ở Việt Nam thì vai trò này thường kiêm nhiệm thêm các công việc quản lý trong dự án.
Xem thêm: Chứng chỉ PSM là gì?
Chứng chỉ PRINCE2
PRINCE2 viết tắt cho Project In Controlled Enviroment, vì phương pháp này tập trung vào quản lý tài nguyên và rủi ro bằng cách chia dự án thành các giai đoạn nhỏ hơn, xác định vai trò & trách nhiệm rõ ràng và sử dụng bảy quy trình để quản lý vòng đời dự án.
PRINCE2 phổ biến ở Anh, Châu Âu và Úc. Trong khi đó thì PMP phổ biến ở Mỹ, Canada và Trung Đông.
Tham khảo: PRINCE2 Certification
Tổng kết
Quản lý dự án ban đầu chỉ là các task trong một dự án, do một người trong đội ngũ phụ trách. Tuy nhiên sau đó thì quản lý dự án chính thức trở thành một vai trò riêng trong đội ngũ và ngày càng trở nên quan trọng.
Bất kỳ công việc gì, chỉ cần là làm dự án thì bạn nên hướng tới trở thành một quản lý dự án. Bạn có thể bắt đầu từ vị trí dưới và bắt đầu có các trải nghiệm về quản lý bằng cách thay mặt PM xử lý một vài task, ví như thống kê hiệu suất làm việc của các thành viên.
Chứng chỉ quốc tế không phải là điều bắt buộc cho vai trò quản lý dự án nhưng là một điểm cộng rất lớn, ảnh hưởng rất nhiều tới đãi ngộ của bạn nhận được. Bạn có thể theo lộ trình CAPM -> PMP -> PMI-ACP -> PgMP -> PfMP của PMI trong suốt sự nghiệp của mình.
Một hướng khác là học PMP -> PgMP có thể tiết kiệm hơn vì giá trị thị trường do PMP mang lại là rõ ràng nhất, PgMP thì phổ biến hơn cho cấp bậc giám đốc.